Sức khỏe tài chính cá nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho mỗi cá nhân. Giống như sức khỏe thể chất hay tinh thần, sức khỏe tài chính không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu hàng ngày mà còn tác động trực tiếp đến các quyết định lớn trong cuộc sống như mua nhà, đầu tư hay hưu trí.
Sức khỏe tài chính cá nhân là gì?
Sức khỏe tài chính cá nhân được hiểu một cách đơn giản là khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, dự phòng cho những sự kiện bất ngờ, tiết kiệm cho những mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu đồng thời có tự do tài chính để lựa chọn và tận hưởng cuộc sống theo cách bạn mong muốn. Chỉ số này được dựa theo ba yếu tố cơ bản là chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, thường không cố định mà linh hoạt thay đổi tùy thuộc vào sự biến động của thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Sức khỏe tài chính có sự ổn định và luôn duy trì được ở trạng thái tốt là mong muốn của rất nhiều các cá nhân bởi nó mang lại sự an tâm trước những rủi ro tài chính bất ngờ.
04 chỉ số đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân
Chỉ số thanh khoản
Chỉ số thanh khoản là công cụ đầu tiên giúp đánh giá được tình trạng sức khỏe tài chính cá nhân một cách chính xác nhất. Đây là một nhóm số liệu phản ánh khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của chủ thể đi vay mà không cần phải huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài. Trong tài chính cá nhân, chỉ số thanh khoản thể hiện khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng số tiền cá nhân đang sẵn có mà không cần vay mượn thêm từ bên ngoài. Bất kỳ cá nhân nào dù có sức khỏe tài chính tốt cũng có thể gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, chỉ cần bản thân họ vẫn đảm bảo khả năng thanh toán thì hoàn toàn có thể vượt qua khủng hoảng thanh khoản. Một điều cần lưu ý đó là chỉ số thanh khoản và chỉ số thanh toán là hai khái niệm khác nhau. Chỉ số thanh toán phản ánh khả năng đáp ứng toàn bộ nghĩa vụ nợ trong dài hạn, được tính bằng cách lấy thu nhập ròng cộng khấu hao tài sản chia cho tổng các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn. Ngược lại, chỉ số thanh khoản đo lường khả năng thanh toán các chi phí ngắn hạn, được tính bằng cách lấy tài sản thanh khoản chia cho chi phí hàng tháng.
Tỷ lệ thanh khoản = Tài sản thanh khoản / Chi phí hàng tháng
Ví dụ, một nhân viên văn phòng có chi phí sinh hoạt hàng tháng khoảng 6 triệu, tổng tài sản mà người ấy đang có là 120 triệu khi ấy muốn tính chỉ số thanh khoản ta lấy tổng tài sản chia cho chi phí sinh hoạt hàng tháng, cụ thể: 120/6 = 20. Như vậy, nhân viên này có thể trang trải chi phí sinh hoạt tối đa trong 20 tháng khi không có thu nhập.
Chỉ số nợ
Chỉ số nợ sẽ giúp bạn xác định tổng số nợ liên quan đến tài sản. Chỉ số nợ trên tài sản được tính bằng tổng nợ chia tổng tài sản, khi số dư tín dụng tăng thì hệ số nợ tăng.
Chỉ số nợ = Tổng nợ / Tổng tài sản
Giả sử khi bạn sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng thanh toán một khoản 10 triệu đồng tức là bạn đã nợ ngân hàng 10 triệu đồng, chỉ số nợ tăng lên nhưng tài sản vẫn không đổi. Các chỉ số trả nợ và chỉ số trả nợ tín dụng đều được sử dụng để đánh giá khả năng tài chính của người đi vay, từ đó xác định độ tín nhiệm của họ trong tương lai liệu họ có khả năng thanh toán các khoản nợ cho bên vay hay không.
Chỉ số khả năng trả nợ sẽ đánh giá phần trăm thu nhập sau thuế để thanh toán nợ tối thiểu hàng tháng (nợ thế chấp, vay mua xe, vay thẻ tín dụng, vay sinh viên…), được tính bằng cách lấy tổng nợ hàng tháng chia cho thu nhập sau thuế. Còn chỉ số trả thanh toán tín chấp đánh giá phần trăm tổng thu nhập so với khoản nợ vay tín dụng. Để tính được chỉ số này, ta lấy tiền đầu tư gốc tương ứng cộng với lãi suất, thuế và bảo hiểm rồi chia cho tổng thu nhập hàng tháng.
Chỉ số tiết kiệm
Chỉ số tiết kiệm sẽ giúp bạn tính toán phần trăm dành cho tiết kiệm là bao nhiêu trên tổng thu nhập. Cách tính toán chỉ số này khá đơn giản, ta chỉ việc lấy số tiền tiết kiệm hàng tháng chia cho thu nhập đã trừ thuế hàng tháng. Hệ số tiết kiệm sẽ rơi vào trạng thái âm khi chi tiêu vượt quá thu nhập, đẩy tình hình tài chính của bạn vào tình trạng báo động dẫn đến nợ nần.
Chỉ số tiết kiệm = Số tiền tiết kiệm / Thu nhập đã trừ thuế
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, mỗi tháng nên dành ít nhất 10% thu nhập cho việc tiết kiệm.
Chỉ số đầu tư
Chỉ số đầu tư phản ánh tỷ lệ phần trăm đầu tư so với thu nhập cá nhân là bao nhiêu. Chỉ số này được tính bằng cách lấy số tiền dành cho việc đầu tư mỗi tháng chia cho tổng thu nhập trừ hết thuế thu nhập cá nhân và các loại chi phí hàng tháng. Chỉ số đầu tư có thể âm, bằng 0 hoặc dương, tùy thuộc vào tình hình tài chính và khẩu vị rủi ro của mỗi cá nhân.
Chỉ số đầu tư = Tổng thu nhập (đã trừ thuế) – chỉ số tiết kiệm – chỉ số nợ – các khoản chi phí khác
Chỉ số này tỉ lệ thuận với mức độ rủi ro: chỉ số đầu tư càng cao thì mức độ rủi ro càng lớn và ngược lại. Chỉ số đầu tư dù có giảm hay mất đi cũng không tác động quá lớn đến cuộc sống hàng ngày nhưng khi sinh lời theo thời gian, nó có tiềm năng trở thành một nguồn thu nhập mới đầy giá trị.
Các giải pháp để nâng cao sức khỏe tài chính
Trước hết, cần xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với từng giai đoạn, giúp bạn dễ dàng thực hiện các mục tiêu cá nhân. Việc tích lũy một khoản tiền tiết kiệm đều đặn để phòng ngừa rủi ro trong tương lai hay chủ động lên kế hoạch thanh toán sớm các khoản nợ là những yếu tố cần thiết giúp giảm áp lực chi tiêu hàng ngày. Cùng với đó, tìm kiếm và tham gia các hoạt động đầu tư phù hợp với mong muốn và khả năng của bản thân sẽ giúp tối ưu hóa nguồn thu nhập. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đầu tư khác nhau như gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp, đầu tư bất động sản… Mỗi hình thức đầu tư đều đi kèm với những rủi ro về tài chính ở nhiều mức độ nhất định. Một giải pháp cực kỳ hữu ích đó là liên tục trau dồi kiến thức về tài chính sẽ giúp bạn cải thiện khả năng quản lý tài chính và tối ưu hóa nguồn lực cá nhân từ đó đạt được sự ổn định và bền vững lâu dài.
Kết luận:
Sức khỏe tài chính cá nhân không chỉ là yếu tố quan trọng để đảm bảo cuộc sống ổn định mà còn là nền tảng để bạn đạt được những ước mơ và mục tiêu trong tương lai. Chỉ khi có nguồn tài chính bền vững và thịnh vượng, bạn mới có thể tận hưởng cuộc sống theo cách mà bạn mong muốn.