TIN NỔI BẬT
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp, làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Theo đó, hai bên thống nhất đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang có nhiều động lực tăng trưởng đến từ các khuôn khổ, hiệp định thương mại mà hai nước cùng tham gia, như: Hiệp định VJEPA; Hiệp định AJCEP; Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP... Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 46,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản đạt 21,6 tỷ USD, giảm 0,2%. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại... Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày…Trong buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp phối hợp hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp. Trong đó, về hợp tác thương mại, Việt Nam đề nghị Nhật Bản xem xét, tiếp tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam vào Nhật Bản; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực thương mại như chống hàng giả, phân phối và logistics…
CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH
TTCK duy trì trạng thái phục hồi và đóng cửa tại mốc 1.313 điểm với thanh khoản tiếp tục cải thiện so với phiên giao dịch trước đó. Phân hóa xuất hiện trở lại. Dòng tiền có xu thế tìm đến các cổ phiếu dẫn dắt ngành tài chính, F&B, xây dựng và vật liệu. Trong khi đó, áp lực bán gia tăng ở các cổ phiếu ngành bất động sản, dịch vụ công nghiệp, công nghệ. VN-index hôm nay khả năng sẽ biến động quanh khu vực 1.310-1.320 điểm.
Thị trường xuất hiện rung lắc và nhanh chóng phục hồi trở lại vào cuối phiên dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. Khối ngoại tiếp tục mua ròng ở cường độ cao. Các cổ phiếu chịu áp lực giảm điểm chủ yếu là nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực vượt trội so với thị trường chung trong giai đoạn trước đó. VN-index nhiều khả năng sẽ tịnh tiến tăng với kịch bản dòng tiền luân chuyển, các nhóm - ngành luân phiên dẫn dắt chỉ số đi lên hướng tới khu vực 1.340-1.350 điểm. Các nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu danh mục theo định hướng giao dịch tập trung ở các cổ phiếu cơ bản, có nền giá hấp dẫn, được kỳ vọng tăng trưởng về kết quả kinh doanh quý 2/2025 hoặc có các thông tin hỗ trợ đến từ nội tại doanh nghiệp.
Nhà đầu tư tham khảo toàn bộ nội dung Bản tin tại đây: