Chứng khoán hóa có nhiều loại sản phẩm khác nhau và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng khác nhau từ chủ thể tạo lập tài sản, công ty dịch vụ, ngân hàng đầu tư và nhà đầu tư.
Những lợi ích chính
Thông qua việc chứng khoán hóa, chủ thể tạo lập tài sản có thể khai thác được nguồn vốn mới với mức chi phí thấp hơn việc đi vay trực tiếp từ bên ngoài. Điều này là do định mức tín nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ đặc biệt thường cao hơn định mức tín nhiệm của chủ thể tạo lập tài sản thông qua việc cô lập tài sản đảm bảo và áp dụng các biện pháp tăng trưởng định mức tín dụng.
Thông qua nghiệp vụ chứng khoán hóa, chủ thể tạo lập tài sản sẽ thoái bỏ tài sản ra khỏi bảng cân đối kế toán thông qua việc bán đứt tài sản cho công ty có mục đích đặc biệt. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro lãi suất và rủi ro tín dụng liên quan đến tài sản. Những rủi ro này được chuyển giao sang cho nhà đầu tư mua các trái phiếu hình thành từ chứng khoán hóa.
Việc giảm quy mô tài sản trong khi vẫn tạo ra được lợi nhuận là một nghệ thuật kinh doanh của ngành tài chính. Với số tiền thu được từ việc bán tài sản cho công ty có mục đích đặc biệt, chủ thể tạo lập tài sản có thể quay vòng vốn hình thành các khoản cho vay khác. Hơn nữa, với các doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy tài chính cao, việc giảm quy mô tài sản sẽ giúp giảm nợ, do đó giảm hệ số đòn bẩy tài chính về mức an toàn.
Đối với các doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh và muốn thoái bỏ một số tài sản không còn mang tính chiến lược, chứng khoán hóa là một giải pháp phù hợp. Trong trường hợp chủ thể tạo lập tài sản là các ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng đầu tư phải tuân thủ theo các quy định an toàn vốn theo hiệp ước Basel thì việc thoái bỏ các tài sản có hệ số rủi ro tín dụng cao sẽ làm giảm mức vốn cần thiết đáp ứng co quy mô tổng tài sản.
Một lợi ích quan trọng của chứng khoán hóa là cho phép định giá bán tài sản được tối ưu nhất. Các tài sản có thể được định giá một cách tối ưu nhờ sự minh bạch của cơ cấu. Việc đóng gói các tài sản không có tính thanh khoản cao để phát hành các chứng khoán nợ có thể trao đổi trên thị trường thứ cấp, thực chất là một cách gián tiếp tăng cường tính thanh khoản cho các tài sản.
Lợi ích với ngân hàng đầu tư
Đối với ngân hàng đầu tư, chứng khoán hóa là cơ hội thu về các khoản phí tư vấn, bảo lãnh phát hành. Cũng như các loại chứng khoán khác, ngân hàng đầu tư thực hiện việc buôn bán các loại chứng khoán này trên thị trường thứ cấp nhằm thu lợi nhuận.
Ngân hàng đầu tư đóng vai trò là chủ thể tạo lập tài sản, do đó thu được các lợi ích trong toàn bộ chu trình chuỗi giá trị của tài sản.
Lợi ích với các nhà đầu tư
Đối với các nhà đầu tư, chứng khoán hóa mang lại nhiều sản phẩm và cơ hội đầu tư mới mà trước đây họ không thể tiếp cận. Một số nhà đầu tư mua chứng khoán nợ vì mục đích sinh lời cao trong khi một số khác đầu tư vì mục đích đa đạng hóa danh mục đầu tư. Trong thực tế, các chứng khoán nợ phát hành có thể được cấu trúc theo nhiều mức độ rủi ro khác nhau tùy theo định mức tín nhiệm của từng gói chứng khoán phát hành.
Các loại sản phẩm chứng khoán hóa
Sản phẩm chứng khoán hóa có nhiều tên gọi khác nhau như sản phẩm MBS (Mortgage Backed Securities), CDO (Collateralised Debt Obligations), ABS (Assets Backed Securities), CLO (Collateralised Loan Obligations), CIO (Collateralised Insurance Obligations). Các tên gọi này phát sinh từ nguồn gốc loại tài sản dùng để chứng khoán hóa và cách thức phân phối rủi ro cho các gói trái phiếu phát hành. Về cơ bản có thể chia ra làm 02 loại sản phẩm chứng khoán hóa:
Thứ nhất, sản phẩm chứng khoán hóa truyền thống liên quan đến các khoản cho vay thế chấp mua nhà gọi là MBS (Mortgage Backed Securities). Đặc điểm của MBS là giải quyết rủi ro thanh toán sớm của tài sản chứng khoán hóa. MBS được phân chia thành MPT và CMO. Sự khác nhau giữa MPT và CMO chủ yếu là cách thức đóng gói. Nếu như MPT phân chia trái phiếu thành các gói có mức độ giống nhau thì CMO chia các gói trái phiếu theo thứ tự ưu tiên thanh toán nhằm giải quyết rủi ro thanh toán sớm.
Thứ hai, nhóm sản phẩm còn lại không liên quan đến các khoản cho vay thế chấp mua nhà được gọi là CDO (Collateralised Debt Obligations). Đặc điểm của CDO là giải quyết rủi ro tín dụng của tài sản chứng khoán hóa. Rủi ro thanh toán sớm đối với các tài sản dùng trong CDO là rất thấp hoặc gần như không có.
Gốc tài sản dùng chứng khoán hóa CDO là các tài sản có rủi ro tín dụng như tín dụng tiêu dùng, cho vay thẻ tín dụng, phải thu thương mại, cho vay thế chấp bất động sản thương mại, trái phiếu doanh nghiệp, và thậm chí trái phiếu CDO. Với các gốc tài sản này CDO được chia thành nhiều loại với các tên gọi khác nhau nhưng bản chất vẫn là một.
ABS (Assets Backed Securities) là sản phẩm chứng khoán hóa tín dụng tiêu dùng, danh mục phải thu thẻ tín dụng;
CLO (Collateralised Loan Obligations) là sản phẩm chứng khoán hóa các danh mục tín dụng thương mại. CBO là sản phẩm chứng khoán hóa các khoản trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu đầu cơ (high-yield bond);
CRE CDO (Commercial Real Estate CDO) là sản phẩm chứng khoán hóa các khoản cho vay thế chấp bất động sản thương mại;
CIO (Collateralised Insurance Obligations) là sản phẩm chứng khoán hóa các hợp đồng bảo hiểm.
Dễ dàng tạo lập các chiến lược đầu tư hiệu quả với các thông tin, tin tức diễn biến thị trường, khuyến nghị đầu tư, báo cáo phân tích được cập nhật liên tục tại VPS: 👉 Mở tài khoản chứng khoán với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ 👉 Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |