Trong một vài năm trở lại đây, ngành cảng biển hiện đang nổi lên như một điểm sáng trong xu hướng phục hồi của nền kinh tế và thu hút được dòng tiền tới từ các nhà đầu tư một cách tương đối mạnh mẽ. Năm 2024 dự báo sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho ngành cảng biển Việt Nam, khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục và mở rộng sau đại dịch. Với vị trí địa lý thuận lợi và tiêu chuẩn hạ tầng ngày càng được cải thiện, ngành cảng biển hứa hẹn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững của không chỉ Việt Nam, mà còn của bất kì quốc gia nào trên thế giới.
Vai trò của ngành cảng biển đối với Việt Nam
Ngành cảng biển đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cảng biển không chỉ là cửa ngõ giao thương mà còn là trung tâm logistics quan trọng, kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có nhiều cảng biển lớn, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa, từ nông sản đến sản phẩm công nghiệp. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng GDP mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu, điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam còn là một quốc gia xuất siêu.
Thêm vào đó, xu hướng ngành cũng đang ngày càng chú trọng vào việc áp dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Việc tăng cường công nghệ hóa và áp dụng các giải pháp xanh giúp ngành cảng biển giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bất ngờ hưởng lợi từ bối cảnh toàn cầu!
Tiếp nối đà tăng trưởng trong năm 2023, thị trường vận tải biển quốc tế vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến số lượng tàu container mới gia tăng từ nay đến 2028. Tính đến tháng 4/2024, đã có hơn 1 triệu TEUs tàu được giao, tăng 80% so với kỉ lục gần nhất và 6,6 triệu TEU tàu đặt mới, bằng 25% tổng công suất đội tàu biển toàn cầu. Trong đó, 44% giao trong 2024 (chiếm 11% công suất đội tàu hiện tại), 30% vào 2025, 15% vào 2026 và số còn lại sẽ được giao vào giai đoạn 2027- 2028. Sự gia tăng tổng công suất đội tàu biển thế giới là yếu tố trực tiếp tác động tích cực lên nhu cầu sử dụng dịch vụ cảng. Các cảng sẽ cần phải mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng khối lượng tàu lớn hơn và tần suất ghé cảng dày đặc hơn.
Biểu đồ 1. Số lượng tàu đặt mới từ H2/2022 đến 2025 (Nguồn: Statista)
Đầu năm 2023, tuyến đường hàng hải quan trọng qua kênh đào Panama gặp phải sự cố nghiêm trọng do tình trạng hạn hán khiến số lượng tàu qua kênh bị hạn chế, kéo dài thời gian chờ và tăng chi phí vận chuyển, qua đó làm giảm tới gần 1/3 lượng hàng hóa qua tuyến đường này. Ngoài ra, tại tuyến đường qua kênh đào Suez, cuộc tấn công ở biển Đỏ vào tháng 4 đã khiến cho tuyến hàng hải này gần như bị phong sát, trực tiếp dẫn tới việc làm tăng chiều dài tuyến vận chuyển Á - Âu khi các tàu buộc phải vòng qua mũi Hảo Vọng, kéo dài thời gian hành trình trung bình lên thêm hai tuần.
Lộ trình hàng hải kéo dài kết hợp với nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng do mùa cao điểm vận chuyển đến sớm; và việc đẩy mạnh xuất khẩu xe điện, tấm pin mặt trời và vật tư y tế, để tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng thuế của Mỹ đối với các loại mặt hàng trên đến từ doanh nghiệp nội địa Trung Quốc (áp dụng từ 08/2024), đã làm hoạt động ở các cảng biển trung tâm bị quá tải và tắc nghẽn một cách nghiêm trọng. Chỉ số tắc nghẽn cảng toàn cầu đã chạm mốc 2 triệu TEU, chiếm 6,8% công suất đội tàu toàn cầu. Trong đó, Singapore là điểm đến bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng tắc nghẽn trên, trung bình thời gian chờ đợi để có bến tại đây đã lên đến 7 ngày, khiến nhiều hãng tàu đã lựa chọn thay đổi lộ trình của họ sang các cảng khác trong khu vực, trong đó có các cảng của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu khởi sắc – Cú hích cần thiết cho sự bứt phá
Thời điểm hiện tại, giá cước vận tải biển toàn cầu đang có xu hướng giảm khiến cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Trong đó, mỗi tuần giá cước giảm trung bình từ 3 - 4%, phản ánh xu hướng giảm giá ổn định và dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Hơn nữa từ nay đến cuối năm do tính chất mùa lễ hội, gần các dịp lễ hội lớn như Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán dẫn tới nhu cầu tiêu dùng phục hồi, các hãng bán lẻ sẽ có xu hướng tăng tỉ lệ hàng tồn kho để đáp ứng sự tăng cao trong tiêu dùng. Bên cạnh đó, với việc chu kỳ công nghệ đang quay trở lại, tăng trưởng mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư, và nhu cầu thị trường có dấu hiệu tăng lên, dự kiến xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 với các mặt hàng chủ đạo như dệt may, điện tử và thủy sản,…
Biểu đồ 2. Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam
Về nhập khẩu, xu hướng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm từ nhiều thị trường chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Gần đây, nhập khẩu nguyên liệu được đẩy mạnh, tổng kim ngạch của nhóm hàng này ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94% cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu nửa đầu năm 2024. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang tăng cường chuẩn bị cho giai đoạn đẩy mạnh sản xuất sắp tới, dẫn việc hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.
Nếu xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hiện tại, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong cả năm 2024 sẽ có thể vượt mốc 800 tỷ USD.
Kết luận
Như vậy, có thể thấy triển vọng ngành cảng biển Việt Nam trong năm 2024 là tương đối tích cực, với sự ủng hộ đến từ cả bối cảnh toàn cầu lẫn tiềm lực xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hàng hóa. Ngoài ra, sự gia tăng thương mại quốc tế, đặc biệt là sau khi ký kết các hiệp định thương mại tự do, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về sử dụng các dịch vụ cảng của các hãng vận tải biển. Với những bước đi tích cực này, ngành cảng biển được dự báo không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics toàn cầu. (*)
Tham gia đầu tư cùng VPS để nhận được sự hỗ trợ tận tâm từ các chuyên gia hàng đầu ngay hôm nay:
|
(*) Khuyến cáo: Báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong báo cáo này.