Ngành cảng biển Việt Nam trong năm 2024 đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ, phản ánh sự phát triển kinh tế năng động và nhu cầu gia tăng trong thương mại quốc tế. Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống cảng biển ngày càng hiện đại, Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội địa và quốc tế.
Ngành cảng biển Việt Nam tiếp đà khởi sắc
Hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu
Hoạt động sản xuất trong nước từ đầu năm đến nay tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tiếp tục xu hướng tăng, ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, PMI tháng 8 cũng duy trì trên ngưỡng 50 điểm từ tháng 4/2024, đạt mức 52,4 điểm. Ngoài ra, các hoạt động thương mại, đầu tư đều cũng đã tăng so với tháng trước, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho logistics.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/08/2024:
- Tổng giá trị xuất khẩu đạt 244,4 tỷ USD, tăng 16% tương ứng 33,7 tỷ USD so với cùng kỳ 2023, trong đó, giá trị xuất khẩu tới từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tới 78%. Các mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: than các loại (+34%), chất dẻo nguyên liệu (+34%), chè (+30%), hạt điều (+25%), sắt thép các loại (+20%). Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng sụt giảm sản lượng xuất khẩu tại một mặt hàng như: quặng và khoáng sản (-15%), cà phê (-12%), cao su (-7%).
Biểu đồ 1. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam
- Tổng giá trị nhập khẩu đạt 228,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2023, trong đó, giá trị nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tới 64%. Các mặt hàng có sản lượng nhập khẩu tăng so với cùng kỳ là: phân bón (+53%), các loại than (+35%), chất dẻo nguyên liệu (+24%), sắt thép các loại (+39%), kim loại thường khác (+25%), quặng và khoáng sản khác (+23%). Nhóm hàng có sự sụt giảm trong sản lượng nhập khẩu là: xăng dầu các loại (-2%) và hạt điều (-1%).
Tiềm năng thương mại
Tính đến hết tháng tháng 7/2024, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 66,4 tỷ USD, còn thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc với tổng kim ngạch lên tới 79,6 tỷ USD.
Những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu này có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và ký kết các văn bản hợp tác song phương với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ các rào cản thuế quan, giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn khuyến khích các công ty nước ngoài tăng cường đầu tư trực tiếp vào thị trường nội địa.
Tương lai rộng mở đang chờ đón phía trước…
Giai đoạn từ nửa sau 2024 trở đi, ngành cảng biển sẽ chứng kiến nhiều xu hướng tích cực, với sự phục hồi và phát triển bền vững sau những thách thức của đại dịch. Đầu tiên, nhu cầu vận tải hàng hóa toàn cầu dự kiến tiếp tục gia tăng nhờ vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và châu Á. Theo các dự báo, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng sẽ tăng khoảng 5-7% mỗi năm, điều này tạo cơ hội cho các cảng mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Bất chấp những xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị, WTO nhận định tăng trưởng thương mại quốc tế sẽ cải thiện dần trong năm 2024. Trong 6 tháng trở lại đây, kinh tế EU đang trong đà hồi phục trở lại, lạm phát khu vực EU đang có dấu hiệu hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp, mức lương cơ bản trong Q2/2024 chứng kiến mức tăng trưởng khá, tạo thu nhập tốt cho người dân. Điều này mang tới những tác động tích cực trong việc làm tăng nhu cầu tiêu dùng tại khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tới thị trường này, trong đó có Việt Nam.
Những yếu tố này cho thấy ngành cảng biển đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn tới. Sự kết hợp giữa tăng cường công nghệ để nâng cao năng lực cảng biển và sự gia tăng trong nhu cầu hàng hóa dựa trên cơ sở hợp tác quốc tế chắc chắn sẽ định hình tương lai của ngành cảng biển trong những năm tới.
Các doanh nghiệp tiềm năng
CTCP Gemadept (HSX: GMD)
- Doanh thu Q2/2024 của GMD ghi nhận 1.150,9 tỷ đồng (+26,17% svck); Biên lợi nhuận gộp tăng +11,12% svck tương ứng đạt 510,52 tỷ đồng, sự không đồng đều trong tăng trưởng tới từ việc giá vốn bán hàng trong Q2/2024 tăng lên đến 41,44%.
- Trong Q2/2024 và nửa đầu năm 2024, GMD ghi nhận khoản lãi từ công ty liên doanh cao đột biến (tăng gấp 3 lần svck). Trong đó, đóng góp phần lớn tới từ tình hình kinh doanh vô cùng sáng cửa của Gemalink (GML), chủ yếu nhờ (1) Lượng container phục hồi, tổng lượng container ra vào đạt 2 triệu TEU, tăng 50% svck trong nửa đầu 2024 (trong đó số lượng container ra vào cảng GML tăng gấp đôi svck) ; (2) Với lợi thế về quy mô, vị trí và đặc biệt là khả năng cung cấp dịch vụ được cho tàu lớn đến 240.000 DWT, Gemalink được phép tăng giá dịch vụ nhờ Thông tư 39.
- Với thông tin rằng Gemadept có kế hoạch sử dụng 1,5 nghìn tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành quyền mua sắp tới để trang bị thêm 3 tàu, 7 xà lan, mở rộng đội tàu hiện tại gồm 4 tàu và 45 xà lan. Dự báo mảng logistics của GMD sẽ được đẩy mạnh, doanh thu giai đoạn sắp tới có thể tăng trưởng lên đến 10%.
- Bên cạnh đó, việc mở rộng GML với 2 giai đoạn 2A và 2B được coi là động lực tăng trưởng trong dài hạn của GMD. Với dự kiến hoàn tất cả 2 giai đoạn vào năm 2028, GML dự kiến sẽ có tổng công suất sau mở rộng tăng gấp đôi so với bây giờ, tương đương 3 triệu TEU.
CTCP Container Việt Nam (HSX: VSC)
- Doanh thu Q2/2024 của VSC đạt 717,54 tỷ đồng (+35,16% svck); Lợi nhuận sau thuế đạt 91,54 tỷ, tăng trưởng ấn tượng ở mức hơn 2,5 lần.
- Tổng tài sản tăng 26,22% đạt mức 6.488,63 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn an toàn ở mức 0,09.
- Động lực tăng trưởng trung hạn đến từ việc tăng sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ lên 100% của VSC. Dự tính tổng sản lượng qua cảng này năm 2024 đạt mức 1,19 triệu TEU, đạt gần mức tối đa công suất, nhờ (1) Tận dụng các tàu hàng từ cảng Xanh Vip chuyển sang (2) Tăng cường mở mới các tuyến dịch vụ (3) Sở hữu vị trí cạnh tranh tại hạ nguồn sông Cấm (4) Bắt tay hợp tác cùng hãng tàu Evergreen giúp mang lại nguồn cung ổn định.
- Với việc thành công rút phần vốn góp tại khách sạn Hyatt Hải Phòng trị giá hơn 800 tỷ đồng và thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cảng Dịch Vụ Dầu Khí Đình Vũ (PTSC) trị giá 88 tỷ đồng, VSC sắp tới sẽ thu về khoản tiền hơn 900 tỷ đồng để có thể đầu tư vào việc mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cảng,… giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp này. (*)
Tham gia đầu tư cùng VPS để nhận được sự hỗ trợ tận tâm từ các chuyên gia hàng đầu ngay hôm nay: Mở tài khoản chứng khoán VPS với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |
(*) Khuyến cáo: Báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong báo cáo này.