Sau khi tăng 230 đồng trong tháng 1, giá đô la Mỹ (USD) trên thị trường tự do tiếp tục tăng 400 đồng trong tháng 2, theo đó nâng mức tăng so với đầu năm 2024 lên 630 đồng, tương đương tăng hơn 2,8%. Với mức tăng 4% của cả năm 2023 và chỉ hơn 0,4% của hai tháng cùng kỳ đầu năm 2023, các con số mới đây cho thấy tỷ giá đang có sức nóng như nào. Giá mua vào và bán ra đô la Mỹ trên thị trường tự do đã duy trì trên mốc 25,000 VND từ giữa tháng 2 đến nay.
Trên thị trường chính thức, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh, khi tính đến cuối tháng 2 tăng hơn 240 đồng so với đầu tháng 2 và tăng 400 đồng so với đầu năm, tương đương tăng 1,6%. Đặc biệt, mức tăng tập trung vào những ngày từ giữa tháng 2 đến nay, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Diễn biến tỷ giá USD/VND từ đầu năm 2024
Nguồn: VNEconomy, Wichart, các trang web của các NHTM
Diễn biến tỷ giá này có một phần nguyên nhân đến từ đồng bạc xanh khi chỉ số USD Index từ đầu năm đến nay tăng 2,7%. Nhưng có một điểm đáng chú ý là từ đầu tháng 2 đến nay, chỉ số này hầu như đi ngang, trong khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh trong tháng 2 và vượt mức đỉnh của tháng 10 năm ngoái khi mà USD Index lúc đó cao hơn hiện tại khoảng 2,8%.
Chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng quá cao đã làm tăng nhu cầu đầu cơ đô la Mỹ, một phần gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế là mức chênh lệch này đã duy trì trong suốt nhiều tháng qua. Vì vậy việc tỷ giá tăng bất ngờ ở thời điểm hiện tại khả năng cao là do các vấn đề cung cầu trong nước.
- Nhu cầu nhập khẩu gia tăng: Tỷ giá chịu áp lực khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu gia tăng, liên quan đến kế hoạch bảo trì lớn vào tháng 3 sắp tới của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Hoạt động sản xuất đang có các dấu hiệu dần hồi phục trở lại khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng hai tháng liên tiếp. Đơn hàng đang dần hồi phục vì vậy có thể kỳ vọng hoạt động mua hàng cũng đang dần cải thiện, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất gia tăng và có thể gây áp lực lên tỷ giá.
- Ảnh hưởng bởi thị trường vàng: Khi nhu cầu vàng nguyên liệu cao và giá vàng trong nước thời gian qua liên tục lập đỉnh, tạo khoảng cách lớn với giá vàng thế giới, có khả năng cao xuất hiện hiện tượng gom đô la Mỹ trên thị trường tự do để nhập khẩu lậu vàng qua biên giới. Điều này gây áp lực ngắn hạn lên tỷ giá. Bên cạnh đó, trước những diễn biến của thị trường vàng vào đầu năm nay, chính phủ phát tín hiệu sẽ sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng chính thức nối lại hoạt động nhập khẩu vàng. Các đầu mối nhập khẩu khi đó sẽ cần một lượng lớn ngoại tệ và việc này cũng có thể thúc đẩy hoạt động đầu cơ ngắn hạn.
- Ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của Mỹ: Trái với dự báo vào cuối năm 2023, Cục Dự trữ Liên ban Mỹ (FED) khả năng cao sẽ không cắt giảm lãi suất sớm trong nửa đầu năm và các lần cắt giảm cũng như mức độ cắt giảm ngày càng không chắc chắn trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, trong khi lạm phát có tín hiệu bật tăng, trong đó giá cho thuê nhà, cấu phần chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI, đang có xu hướng tăng trở lại.
Dù vậy, các biến động hiện tại của tỷ giá có thể là ngắn hạn và tiềm năng tăng giá của tiền đồng trong trung hạn vẫn khả quan nhờ vào hai lý do:
Thứ nhất, đô la Mỹ được dự báo yếu đi vào cuối năm khi Fed hạ lãi suất.
Thứ hai, các yếu tố thuận lợi trong nước vẫn được duy trì như cán cân thương mại hàng hóa thặng dư lớn, đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, nguồn kiều hối gia tăng…
Tham gia đầu tư cùng VPS để nhận được sự hỗ trợ tận tâm từ các chuyên gia hàng đầu ngay hôm nay:
|
(*) Khuyến cáo: Báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong báo cáo này.