Trong những ngày đầu năm 2024, đồng pha với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có giai đoạn tăng mạnh liên tục, đồng thời cách biệt giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước cũng được nới rộng. Tại thời điểm ngày 19/04/2024, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 81,80 triệu đồng/lượng mua vào và 83,80 triệu đồng/lượng bán ra. Cùng với giá vàng SJC, giá vàng nhẫn 999.9 được neo ở mức cao, trung bình ở mức 75,53 - 77,23 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao, khoảng 11 triệu đồng/lượng với vàng miếng và hơn 4 triệu đồng với vàng nhẫn.
Tại sao giá vàng Việt Nam chênh lệch nhiều so với giá vàng thế giới?
Nhớ lại bối cảnh của giai đoạn 2009 - 2011, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đối diện nhiều thách thức chưa từng có. Giai đoạn đó, thị trường trong nước đã chứng kiến những “đợt điên loạn của giá vàng”. Lạm phát gia tăng, thị trường bất động sản trầm lắng, giá chứng khoán sụt giảm liên tục, dân chúng đã đổ xô đi mua vàng. Bên cạnh đó, việc các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn được phép huy động, cho vay bằng vàng dẫn tới vàng được xem như là một công cụ thanh toán và định giá. Tiêu dùng bằng vàng thay cho tiền, gần như những trao đổi, mua bán giá trị lớn lại được quy thành vàng. Nhiều người gọi thời kỳ đó là thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế". Tình trạng này kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy như giá trị đồng tiền không được ổn định, người dân mất tin tưởng vào tiền đồng, nhà nước không thể quản lý được vấn đề xuất nhập khẩu, ngoại hối, tỷ giá…
Khi đó Chính phủ đã ra một loạt các thông tư nghị định, bắt đầu từ việc cấm hoàn toàn các TCTD huy động và cho vay bằng vàng, song song với việc siết chặt quản lý sản xuất kinh doanh vàng trong nước với sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24).
Nghị định này ra đời đã giúp Ngân hàng nhà nước (NHNN) kiểm soát ổn định thị trường vàng, ngoại hối trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kể từ ngày ban hành Nghị định 24, cơ chế Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất vàng miếng đã bộc lộ không ít bất cập. Đó là khoảng cách chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quá lớn, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân của sự chênh lệch này đến từ:
- Trong khoảng 10 năm qua, NHNN không nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nhưng rất nhiều nhãn vàng trong nước đã mua vàng miếng SJC sản xuất vàng trang sức xuất khẩu. Nguồn cung không những không được bổ sung mà còn bị vơi đi, khiến thị trường vàng ở Việt Nam lệch pha so với thế giới;
- Hiện tại thế giới có nhiều nhiều biến động, giá vàng thế giới thay đổi liên tục và nội tại của nền kinh tế trong nước có những rủi ro, thách thức nhất định. Việc này dẫn đến tâm lý muốn mua gom hoặc dự trữ vàng, hay thậm chí đầu cơ để hưởng chênh lệch, dẫn tới nhu cầu tăng đột biến;
- Do nguồn cung trong nước bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp trong ngành phải dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như thế nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán với giá cao hơn.
Với những biến động lớn của thị trường vàng thời gian qua, Chính phủ đã ra nhiều công điện yêu cầu NHNN có các giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và giá quốc tế. Trong ngày 19/04/2024, NHNN chính thức có các động thái với thị trường vàng khi đưa ra thông báo khởi động lại việc bán vàng miếng thông qua hình thức đấu thầu 16.800 lượng vàng (gần 630kg vàng) sau hơn 11 năm tạm ngừng.
Tại sao NHNN phải đấu thầu vàng?
Việc chênh lệch lớn giữa giá vàng miếng SJC và cả giá vàng nhẫn với giá vàng thế giới sẽ để dẫn tới các hệ quả không tốt đối với ổn định vĩ mô và quản lý ngoại hối. Khoản chênh lệch giá này đã kích thích một khối lượng lớn vàng được nhập lậu. Các giao dịch này được thanh toán chủ yếu bằng đồng USD, do vậy một khối lượng lớn USD được thu gom trên thị trường tự do, đẩy giá USD lên cao, tác động không nhỏ tới tỷ giá USD chính thức và thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Như vậy, Nhà nước đã không thể kiểm soát một lượng lớn giao dịch thanh toán quốc tế. Việc không đủ thông tin về dòng ngoại tệ chảy khỏi biên giới quốc gia là yếu tố hạn chế NHNN chủ động trong việc quản lý, giám sát và điều phối thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó tình trạng nhập lậu còn khiến cho NHNN bị thất thu một khoản thuế không hề nhỏ.
Việc đấu thầu cung cấp vàng miếng là tín hiệu đầu tiên của NHNN phát ra về việc sẽ quay trở lại can thiệp trên thị trường này. Đây cũng là giải pháp có thể ngay lập tức tác động đến thị trường vàng qua việc tăng cung. Khối lượng những phiên đấu thầu ban đầu chỉ ở mức khiêm tốn do NHNN đang hành động mang tính thăm dò và thận trọng, khi phải cân bằng giữa việc bình ổn thị trường vàng và hạn chế tác động lên thị trường ngoại hối. NHNN sẽ sử dụng USD để nhập khẩu vàng nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong nước, vì vậy tỷ giá đã bật tăng sau khi có thông tin về đấu thầu vàng miếng.
Vậy có nên xóa bỏ Nghị định 24?
Rất nhiều chuyên gia đang đề xuất điều chỉnh Nghị định 24, vì cho rằng nó đã làm hết “sứ mệnh lịch sử” của mình cũng như tình hình hiện tại đã khác hơn nhiều so với 12 năm trước. Tuy nhiên, thả lỏng hoàn toàn để thị trường tự điều tiết là một điều quá mạo hiểm. Chúng ta có thể nhìn về bài học của các nước trên thế giới, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước có nhiều nét tương đồng khi người dân cũng ưa thích nắm giữ vàng như Việt Nam. Khi kinh tế - xã hội bất ổn, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm đến vàng để bảo toàn giá trị tài sản.
Từ năm 2020, nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt ở mức 9% tổng nhu cầu toàn cầu, cao gấp đôi so với tỷ lệ 4% giai đoạn 2010 - 2020. Để giải quyết nhu cầu vàng tăng cao cũng như liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu vàng, dẫn tới hao hụt ngoại tệ, khiến cho đồng nội tệ càng thêm mất giá. Để rồi sau đó Ngân hàng Trung ương phải quay lại áp đặt lệnh cấm nhập khẩu và một loạt chính sách khác để can thiệp thị trường.
Ngoài nguyên nhân khách quan từ những biến động trên thế giới, không khó để thấy nguyên nhân căn bản dẫn đến nhu cầu vàng tăng cao là do những thay đổi và bất ổn trong chính sách kinh tế nội địa gây ra. Giải quyết chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao như hiện tại là điều cần làm. Thế nhưng, nếu nói Nghị định 24 đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và thay thế bằng các giải pháp nặng tính thị trường, có thể chưa lường hết những hệ lụy phát sinh.
Chúng ta đồng ý rằng xóa bỏ cơ chế NHNN độc quyền nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất vàng miếng và giao thêm các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện hoạt động này là hợp lý, tuy nhiên vẫn cần đặt dưới sự quản lý giám sát chặt chẽ của NHNN và vẫn phải đặt ra hạn mức nhập khẩu trong mối tương quan với mục tiêu vĩ mô chung. Chênh lệch giá vàng cao có thể gây thiệt hại cho nhiều chủ thể tuy nhiên không nên dùng mọi cách để xóa bỏ chênh lệch này. Giảm bớt chênh lệch và hài hòa với chính sách ổn định vĩ mô mới là chiến lược đúng đắn.
Dễ dàng tạo lập các chiến lược đầu tư hiệu quả với các thông tin, tin tức diễn biến thị trường, khuyến nghị đầu tư, báo cáo phân tích được cập nhật liên tục tại VPS: 👉 Mở tài khoản chứng khoán với kho số đẹp: https://openaccount.vps.com.vn/ 👉 Tải và truy cập VPS SmartOne - Ứng dụng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam: https://bit.ly/VPSSmartOne |
(*) Khuyến cáo: Báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong báo cáo này.