📊 Báo cáo tài chính tưởng chừng như một "ma trận" số liệu khô khan, nhưng ẩn sâu trong đó là cả một câu chuyện về hành trình phát triển, thách thức và cơ hội của doanh nghiệp.
Bạn có bao giờ tự hỏi: Làm thế nào "giải mã" những con số hóc búa này để thấy bức tranh tài chính toàn diện và chân thực nhất?
📈 Việc đọc và phân tích báo cáo tài chính là kỹ năng quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh hiện tại và triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai, từ đó hỗ trợ nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu một cách chính xác và hiệu quả.
Theo quy định kế toán tại Việt Nam, một bộ báo cáo tài chính doanh nghiệp thông thường gồm có:
✅ Bảng cân đối kế toán
✅ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
✅ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
✅ Thuyết minh báo cáo tài chính
Dù bạn là nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp hay chỉ đơn giản là người yêu thích tài chính, những bước hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đối diện với những bản báo cáo "đầy quyền lực" này!
Hãy cùng bước vào hành trình khám phá 4 bước đơn giản giúp bạn đọc hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất cùng VPS ngay!
1. Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Nó phản ánh quy mô tài sản mà công ty sở hữu, cũng như nguồn vốn hình thành nên các tài sản đó.
Bảng cân đối kế toán bao gồm hai khoản mục chính: Tài sản và Nguồn vốn, trong đó nguồn vốn được chia thành Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu.
Tài sản:
Tài sản là các nguồn lực mà doanh nghiệp kiểm soát, có khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai. Tài sản được phân loại thành:
- Tài sản ngắn hạn: Sử dụng dưới 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh. Bao gồm: tiền mặt, các khoản phải thu, hàng tồn kho, đầu tư ngắn hạn...
- Tài sản dài hạn: Sử dụng trên 12 tháng hoặc nhiều chu kỳ kinh doanh. Bao gồm: tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn, khoản phải thu dài hạn…
Nguồn vốn:
Nguồn vốn cho biết doanh nghiệp huy động tài sản từ đâu và phải chịu trách nhiệm kinh tế, pháp lý gì với các nguồn đó.
- Nợ phải trả: Bao gồm nợ ngắn hạn (dưới 1 năm) và nợ dài hạn (trên 1 năm). Đây là nguồn vốn quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
- Vốn chủ sở hữu: nguồn tài trợ xuất phát từ chính chủ sở hữu doanh nghiệp, đây cũng chính là phần còn lại trong tài sản của công ty sau khi các khoản nợ đã được trả
- Công thức cân đối tài sản như sau:
Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn hay Tổng tài sản = Tổng nợ phải trả + Tổng vốn chủ sở hữu
2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQKD) cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh trong một kỳ, phản ánh doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp từ các hoạt động kinh doanh, tài chính và hoạt động khác.
Các chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo bao gồm:
- Doanh thu thuần: Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ sau khi trừ giảm trừ doanh thu.
- Lợi nhuận gộp: Doanh thu bán hàng trừ giá vốn hàng bán, thể hiện khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
- Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: Đánh giá khả năng tạo lợi nhuận từ các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.
- Lợi nhuận khác: Phản ánh thu nhập hoặc chi phí từ các hoạt động không thường xuyên.
- Lợi nhuận trước thuế: Tổng hợp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận khác.
- Lợi nhuận sau thuế: Lợi nhuận thực tế còn lại sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Lãi trên cổ phiếu: Chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng sinh lời trên mỗi cổ phiếu phổ thông.
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp trong kỳ, phân loại theo:
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Tiền thu từ bán hàng, dịch vụ và các khoản chi như thanh toán nhà cung cấp, trả lương...
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Mua sắm tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn...
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Huy động vốn, phát hành cổ phiếu, vay nợ và trả nợ gốc.
Công thức cân đối dòng tiền: Tiền đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ - Tiền chi trong kỳ = Tiền cuối kỳ
4. Bản thuyết minh báo cáo tài chính
Thuyết minh báo cáo tài chính cung cấp thông tin bổ sung và giải thích chi tiết cho các số liệu được trình bày trong các báo cáo chính, gồm:
- Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp
- Kỳ kế toán và đơn vị tiền tệ sử dụng
- Chuẩn mực và chế độ kế toán áp dụng
- Các chính sách kế toán được lựa chọn
- Thông tin bổ sung cho từng khoản mục trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Việc nắm vững và phân tích báo cáo tài chính là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá sức khỏe tài chính và tiềm năng của doanh nghiệp, từ đó ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.